Câu chuyện kinh doanh của gia đình họ Dương, vốn được mệnh danh là “ông hoàng giấy” và “vua phế liệu”, nổi tiếng khắp đất Sài Gòn 40 năm về trước, là một chặng đường dài đầy chông gai, lắm khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua…
“Ông hoàng ve chai”, “ông vua rác” là những cái tên thân quen mà nhiều người đã dành để gọi David Duong (tên thật Dương Tử Trung), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solution (CWS), công ty châu Á duy nhất và đứng thứ 37/100 công ty hàng đầu ngành xử lý chất thải của Hoa Kỳ. Ông cũng đồng thời là Chủ tịch Công ty Vietnam Waste Solution (VWS) tại Việt Nam.
Gian nan gây dựng cơ nghiệp
Thuộc “dòng dõi hoàng tộc”, con của “ông hoàng” vang bóng một thời Dương Tài Thu, chủ đồng thời hãng giấy Cogido và hãng thu gom phế liệu cùng tên thuộc hàng “đệ nhất Sài Gòn” ngày trước, người đàn ông hậu duệ họ Dương nhỏ nhắn có khuôn mặt gầy gò nhưng đầy nghị lực, luôn nở nụ cười thật thân thiện, thu hút người đối diện vào câu chuyện kinh doanh nhiều trắc trở ấy.
Gần 40 năm về trước, người thanh niên vừa tốt nghiệp tú tài toàn phần Dương Tử Trung đã nhập cư vào Mỹ, và chọn San Francisco làm nơi mưu kế sinh nhai.
“Đến Mỹ, nơi hoàn toàn xa lạ, lạc lõng, không vốn ngoại ngữ, hoàn toàn không có quan hệ gì với những người xung quanh, tôi cùng với mấy anh em trong gia đình đã đi tìm kiếm, thu gom các giấy bìa carton và giấy vụn để đi bán kiếm sống. Riết rồi quen!”, David Duong chia sẻ.
Theo lời dặn dò của cha mình vốn “đi đâu cũng thấy máu kinh doanh”, hằng ngày mấy anh em của David Duong đều mua vé đón tuyến xe buýt số 16 đi khắp thành phố San Francisco, ngồi sát cửa sổ để phóng mắt quan sát xem những nơi nào đang tập kết, thu gom rác, hầu mong có cơ hội tiếp cận và làm quen với “dân làm ve chai”.
Rồi một ngày nọ, với 700 USD gom góp được của các thành viên trong gia đình, cụ thân sinh họ Dương quyết định đi mua trả góp một chiếc xe tải cũ kỹ có giá hơn 2.000 USD, để thu gom phế liệu khắp thành phố, về phân loại và bán lại kiếm sống. Chiếc xe thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4,… dần dần đã trở thành phương tiện kiếm sống của nhà họ Dương, khi cơ ngơi bắt đầu khấm khá lên.
Cho đến năm 1981, ông quyết định qua Đài Loan để tìm lại đối tác cũ ngày xưa của cha mình; rồi trở về Mỹ mua máy đóng kiện để gửi hàng phế liệu xuất khẩu sang Đài Loan. Hai năm sau đó, Công ty quản lý và tái chế Cogido (Cogido Paper Corp.) ra đời, tiền thân của CWS do David Duong làm giám đốc. Bước ngoặt sự nghiệp của ông có lẽ bắt đầu từ đây.
David Duong bồi hồi nhớ lại: “Năm 1992, CWS thắng hợp đồng đầu tiên ở Oakland và đã phát triển thành một doanh nghiệp chủ chốt trong khu vực. CWS xử lý hầu hết các vật liệu tái chế cho các thành phố Oakland, San José, Sacramento, Contra Costa…, chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải trên toàn miền Bắc California, vận hành các nhà máy tái chế rác thải ở Oakland và San José… Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên cả thị trường Hoa Kỳ và quốc tế”.
CWS hiện có 6 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn tại Hoa Kỳ, với đội ngũ kỹ sư, công nhân viên, chuyên viên, trên hàng trăm cơ giới đặc dụng thu gom, phân loại tân tiến và hiện đại nhất. Ngoài Hoa Kỳ, CWS còn có 2 văn phòng đại diện tại Trung Quốc, một công ty liên doanh với Philippines, và một số nước châu Phi như Nigeria…
Hướng đến lợi ích cộng đồng
Kinh doanh cũng lắm chông gai, nhà họ Dương không là một ngoại lệ. Song, họ vẫn luôn tự hào vì đã làm giàu bằng nỗ lực tự cường, vươn lên bằng sự gắn kết giữa các thành viên và hơn hết, họ có được sự động viên, giúp đỡ bằng tinh thần và sự đùm bọc của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt tại San Francisco.
Là người Việt thành đạt ở nước ngoài, trở về đầu tư và kinh doanh thành công ở trong nước, David Duong, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh gia Việt – Mỹ tại Hoa Kỳ muốn nhắn gửi một thông điệp: thương trường là chiến trường khốc liệt. Thành công chỉ đến với những người biết vươn lên, biết quy tụ sức mạnh cộng đồng, và biết yêu mến, tôn trọng nghề nghiệp mình theo đuổi!
Chứng minh cho lập luận của mình, ông đã kể lại câu chuyện vụ thắng thầu của CWS tại thành phố San José (California) vào năm 2007. Cộng đồng người Việt chiếm 1/10 của thành phố hơn 1 triệu dân là nguồn động viên rất lớn cho ông ở lần đó. Số là lúc đó người ta bán đấu thầu một nhà máy xử lý chất thải hiện đại và thuộc hàng “top” ở Mỹ, và họ Dương tham gia bỏ thầu.
Khi có nguy cơ bị thua thầu một công ty môi trường hàng đầu của Mỹ, David Duong đã thuyết phục mọi người rằng, việc thua thầu chẳng những là thất bại của riêng cá nhân ông và CWS, mà là thất bại của người Việt Nam nói chung, cộng đồng người Việt ở San José và cả ở Mỹ bởi mọi người đã không cố gắng để khẳng định: “Cộng đồng người Việt ở Mỹ có đủ khả năng làm được và làm tốt để kinh doanh thành công!”. David đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng người Việt, kể cả giới doanh gia sở tại về thương vụ hàng trăm triệu Mỹ kim này.
Khi viết về vụ thắng thầu hi hữu bấy giờ, báo giới Mỹ đã ca ngợi ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Để có được sự ủng hộ to lớn như vậy, ông Dương chia sẻ là do mục tiêu kinh doanh của ông là luôn hướng tới và chia sẻ lợi ích cộng đồng. Cụ thể, từ năm 1987, khi Cogido mở thêm chi nhánh ở San José, công ty đã giúp đỡ rất nhiều người Việt đến định cư chưa có công ăn việc làm, hay chưa có vốn làm ăn.
Một nghiên cứu mới đây do Viện Công nghệ tái chế phế liệu Hoa Kỳ (ISRI) ủy thác thực hiện, cho biết, ngành công nghiệp tái chế phế liệu Hoa Kỳ đã tạo ra gần 460.000 việc làm và mang về khoản thu trên 90,6 tỷ USD/năm, tương đương 0,6% GDP cho nền kinh tế nước này; đồng thời còn tạo ra một khoản thu 10,3 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. David cho biết, CWS nói riêng, cộng đồng người Việt nói chung rất tự hào khi đóng góp không nhỏ vào nền công nghiệp xử lý chất thải Hoa Kỳ.
Về với Tổ quốc
“Khoảng thời gian 1993-1994, song thân tôi lần đầu tiên về nước thăm bà con. Cụ thân sinh vốn có thói quen đi đâu cũng quan sát, nên ông không dễ bỏ qua những cái liếc mắt, rồi phóng tầm mắt “quét” hết tình hình môi trường TP.HCM bấy giờ vào “cơ sở dữ liệu” của mình như muốn chia sẻ về môi trường hiện tại của đất nước”, David Duong chậm rãi hồi tưởng.
Rồi như xâu chuỗi lại ký ức, David hạ giọng: “Cùng thời điểm này, có người thân của gia đình tôi ở Việt Nam bị mắc bệnh hiểm nghèo và vĩnh viễn ra đi, mà các bác sĩ ở bệnh viện cho rằng, do bị ảnh hưởng và tác động trực tiếp từ môi trường bị ô nhiễm nặng xung quanh. Sự mất mát ấy, cùng sự động viên của song thân chính là động cơ thôi thúc tôi nhiều lần nghĩ đến ngày trở về Việt Nam. Tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để hiện thực hóa tâm nguyện của mẹ cha, cũng là để chia sẻ trách nhiệm với quê hương mình”.
Năm 2003, theo lời mời của đoàn lãnh đạo TP.HCM sang Hoa Kỳ tìm nhà đầu tư về lĩnh vực xử lý rác và môi trường, David Duong bắt đầu về Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh. Ông quyết định chọn lĩnh vực môi trường, tuy chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư; nhưng rất cần thiết và là lĩnh vực CWS có kinh nghiệm và thế mạnh.
Đến năm 2005, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) 100% vốn nước ngoài do David làm Chủ tịch đã được thành lập và đi vào hoạt động tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, trên diện tích 128 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD, bao gồm các hạng mục: một nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng rác thải công suất 3.000 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước thải; trạm trung chuyển; một dây chuyền chế biến phân bón compost từ rác hữu cơ; bãi chôn lấp rác an toàn, hợp vệ sinh; nhà máy sản xuất điện từ khí métal của rác thải v.v…
Giai đoạn 1, hạng mục bãi chôn lấp 30,6 ha đã được xây dựng và đi vào vận hành theo quy định và tiêu chuẩn BVMT khắt khe cấp II của bang California với công suất 10.000 tấn rác/ngày. Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang nhận xử lý 3.000 tấn rác/ngày cho TP.HCM và 20 tấn/ngày cho tỉnh Long An.
Dù đầu tư cho môi trường là quá trình lâu dài, song VWS theo đuổi chiến lược chuyên biệt, cung cấp cho thị trường Việt Nam một giải pháp tổng thể, từ khâu đầu tư, thiết kế đến quản lý, vận hành. Khu chôn lấp được xây dựng với các tiêu chuẩn cao nhất và an toàn nhất của Ủy ban BVMT California và Chính phủ Hoa Kỳ, được giám sát và vận hành bởi các chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam giàu kinh nghiệm.
Được biết, đến nay, đã có nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, chính quyền các tỉnh, thành tại Việt Nam đề nghị VWS hợp tác, hỗ trợ để đưa dây chuyền công nghệ và giải pháp xử lý rác và chất thải của CWS và VWS vào chương trình nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam; cũng như đã cử rất nhiều đoàn khảo sát, tham quan tìm hiểu kinh nghiệm từ CWS, VWS. Đây có thể xem là thành công của một dự án vốn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Được hỏi về mối quan tâm, thao thức của mình về vấn đề môi trường tại Việt Nam, người đàn ông họ Dương từ tốn: “Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ việc nhận thức, được hướng dẫn về tầm quan trọng của việc phải ngừng gây ô nhiễm, xả rác và đầu độc các con sông. Cần thời gian để từng người dân và các nhà quản lý có thể hiểu và đặt lợi ích môi trường lên trên lợi nhuận trong phát triển”.
Ông cũng mong muốn, lãnh đạo các cấp và thành phố quan tâm hơn và lắng nghe doanh nghiệp trong việc góp phần xử lý làm sạch môi trường.
Cần thêm thông tin về các việc làm cũng như nhân sự, hãy thử tham khảo các mục dưới đây:
Truy cập để xem nhiều hơn tại MangViecLam.com – Kết Nối Sự Nghiệp, Tuyển Dụng, Kiếm Tìm Việc Nhanh 24H Hotline: (028) 2222 2236 / (08) 2266 3636 / (08) 2268 3636
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Name *
Email *
Website
Comment
You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>
<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>
Leave a Reply